VOV.VN - Du lịch tâm linh là loại hình du lịch khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử, là dịp để trải nghiệm về thực hành tín ngưỡng tôn giáo. Với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc tôn giáo trải dài từ Côn Sơn – Kiếp Bạc đến Yên Tử - Hạ Long - Vân Đồn, vùng duyên hải Đông Bắc bộ có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh gắn với những dấu ấn rực rỡ của triều đại nhà Trần – một triều đại thịnh vượng nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, để điều đó trở thành hiện thực, cần thiết phải có một chiến lược phát triển bài bản để du lịch tâm linh trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách gần xa.
Đền Kiếp Bạc, thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – vị anh hùng dân tộc hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt chống quân Nguyên Mông thắng lợi, giữ cho non nước “nghìn năm vững âu vàng” được xác định là điểm đầu tiên của con đường du lịch tâm linh vùng duyên hải Đông bắc bộ. Trọng điểm của con đường du lịch này vẫn là Khu danh thắng Yên Tử gắn với sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm.
Du khách tham quan đền Kiếp Bạc
Đối với du khách, hành hương về miền thiền Yên Tử là niềm khát khao khám phá, để ít nhất một lần trong đời được thư thả đếm từng bước chân trên con đường tùng cổ thụ giữa bao đền tháp cổ kính rêu phong, vén bức màn sương khói chốn am mây, lạc mình trong tiếng rì rào của bạt ngàn rừng trúc, lên đến đỉnh non thiêng chạm tay vào Chùa Đồng mà ngỡ như chạm vào cõi Phật, chiêm nghiệm về những lẽ diệu kỳ của cuộc sống, mà đức Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông đã dày công tu tập và lưu truyền cho hậu thế.
Chị Tạ Thị Tú Uyên, một du khách ở thành phố Hồ Chí Minh cảm nhận: “Cảnh quan Yên Tử đã làm tôi rất thích thú. Lên được Chùa Đồng, được vãn cảnh, được nghe thuyết minh, nghe nhạc thiền thì thực sự là rất ấn tượng. Tôi nghĩ ở đây chúng ta có thể xây dựng một không gian thiền để du khách dành chút thời gian trút bỏ những lo âu thường ngày, thanh thản đến với Yên Tử, đến với một dòng Thiền”.
Tượng thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi tại Côn Sơn
Sự kết nối giữa lịch sử, văn hóa, tôn giáo theo tuyến thời gian cũng như các sự kiện lịch sử của triều đại nhà Trần đã tạo nên một tuyến du lịch tâm linh rất đặc sắc về nội dung nhưng lại đa dạng về điểm tham quan. Nếu các am tháp, chùa chiền ở Yên Tử treo mình giữa núi non kỳ vĩ, đền Côn Sơn ẩn khuất giữa nước chảy thông reo thì đền Kiếp Bạc, An Sinh từ, cụm di tích lịch sử Bạch Đằng đều nằm quanh vùng Lục đầu giang với trận thủy chiến Bạch Đằng lừng lẫy để đến bây giờ, nhìn mặt sông rực đỏ ráng chiều, người đời nay còn ngỡ như máu giặc xâm lăng gần 800 năm trước vẫn chưa khô.
Chùa Ba Vàng - Uông Bí
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Trần Nhuận Minh khẳng định: “Nói du lịch tâm linh vùng Đông Bắc thì điểm nhấn là vùng Đông Triều - nơi yên nghỉ của các vị vua, các nhà văn hóa, các tướng lĩnh có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Đặc biệt, Yên Tử là nơi ra đời Thiền phái Trúc Lâm với 3 vị Tổ mà chúng ta đều biết, để lại nơi đây dấu vết thơ thiền có thể nói là sâu sắc trong lịch sử thơ ca Việt Nam. Những người hành hương cùng một lúc thấm nhuần thêm chủ nghĩa yêu nước, những giá trị trường tồn. Bản thân mình dường như được sàng lọc thêm, giữ cho mình những giá trị trong sáng, gắn bó sâu sắc với vận mệnh dân tộc, góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Du lịch tâm linh là loại hình du lịch khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử, là dịp để trải nghiệm về thực hành tín ngưỡng tôn giáo, được hòa mình vào đời sống tâm linh thực sự chứ không đơn thuần là tham quan, chiêm bái, hay thực dụng hơn là cầu xin tiền tài lợi lộc, mê tín dị đoan, như những gì diễn ra phổ biến tại các di tích đền chùa hiện nay.
Du khách tham quan chùa Đồng- Yên Tử
Ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng Giám đốc Công ty du lịch JTB- TNT tại thành phố Hồ Chí Minh nói: “Quảng Ninh có một lợi thế là tâm linh gắn liền với những nhân vật lịch sử. Những nhân vật đó đã tạo ra những giá trị lịch sử văn hóa rất lớn, khiến người ta tin, người ta hướng vào một sự kỳ vọng. Nếu chúng ta biết cách quảng bá tốt thì sứ mệnh của những người làm du lịch Quảng Ninh sẽ được nhân lên gấp bội, sẽ rất thành công. Không chỉ đơn thuần là du lịch, kinh tế mà còn là chính trị, lịch sử”.
Vì vậy, chuẩn hóa đội ngũ thuyết minh viên giúp du khách hiểu được giá trị đích thực của di tích và sự phong phú trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng đa thần của người Việt Nam; phát huy giá trị các di tích, danh thắng, công trình kiến trúc tôn giáo liên quan đến triều đại nhà Trần, đặc biệt là Khu danh thắng Yên Tử gắn với Thiền phái Trúc Lâm để đa dạng hóa sản phẩm, mang đến cho du khách những chuyến hành hương đầy ý nghĩa, là hết sức cần thiết.
Ông Bùi Đình Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Tùng Lâm đang khai thác du lịch tại Yên Tử cho biết: “Ngoài du lịch văn hóa tâm linh mùa lễ hội, chúng tôi phát triển sản phẩm vào mùa hè để thu hút lớp trẻ, xây dựng Trung tâm văn hóa Yên Tử, biến Yên Tử thành thành trung tâm giáo dục văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc, đồng thời giáo dục đạo lý, đạo đức cho lớp trẻ. Mùa thu phát triển loại hình nghỉ dưỡng, chữa bệnh thu hút khách là người cao tuổi”…
Để có một “con đường du lịch tâm linh” thực sự, quan trọng nhất là phải tạo ra sự khác biệt, đem đến cho du khách những trải nghiệm luôn mới mẻ. Có thêm tuyến du lịch tâm linh Đông Bắc sẽ làm đa dạng hơn sản phẩm du lịch, tạo thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho du khách. Hành trình từ Hà Nội đến Quảng Ninh thay vì chỉ kéo dài 3 ngày - 2 đêm sẽ kéo dài thành 5 ngày - 4 đêm hoặc lâu hơn nữa khi có thêm nhiều điểm dừng chân tại Chí Linh, Uông Bí, Đông Triều trước khi tới Hạ Long và kéo dài từ Hạ Long ra tới Vân Đồn với Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm. Hay xa hơn, du khách có thể vượt biển ra Cô Tô để được thỏa sức vẫy vùng với miền biển xanh- cát trắng - nắng vàng vùng Đông bắc Tổ quốc./.
Theo: VOV - Trung tâm Tin